- 07/09/2020
- Posted by: adminkntp
- Category: Tin tức
Cho làm nhiều xét nghiệm và chụp chiếu mà vẫn không ra nguyên nhân gây liệt, cuối cùng các bác sĩ cho bệnh nhân đi kiểm tra điện cơ ở chuyên khoa Thần kinh, mới ra bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngày 18/8, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hai bệnh nhân là vợ chồng, ở tuổi gần 70, trong tình trạng liệt toàn thân.
Theo lời kể của người nhà, hồi tháng 7, ông bà mua món Pate Minh Chay. Khi ăn đến lọ thứ hai, họ thấy có mùi khác với lọ trước. Bữa cuối ông bà dùng là vào cuối tháng 7. Sau một đến hai ngày, cả hai bắt đầu đau họng, sụp mi, khó nói, khó nuốt, yếu tay, yếu chân và khó thở…
Để chẩn đoán chính xác tình trạng của hai bệnh nhân nặng, bác sĩ phải làm rất nhiều xét nghiệm và chụp chiếu hình ảnh.
“Tuy nhiên, các kết quả đều không giải thích được tình trạng suy yếu, liệt cơ. Chúng tôi đưa bệnh nhân nữ đi kiểm tra điện cơ tại chuyên khoa Thần kinh, bệnh nhân nam không đủ sức khỏe đáp ứng bài kiểm tra suốt hai tiếng”, bác sĩ Nguyên kể lại.
Kết quả điện cơ chỉ ra bệnh nhân có những biểu hiện đặc trưng của ngộ độc botulinum, gồm giảm biên độ vận động dây thần kinh trụ hai bên, test kích thích lặp lại liên tiếp giảm trên 10%, tổn thương tế bào cơ và khớp nối thần kinh cơ nhưng không rối loạn cảm giác.
Mẫu pate chay trong lọ của hai bệnh nhân đã ăn được gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đều phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum. Nuôi cấy mẫu phân của bệnh nhân cũng phát hiện vi khuẩn này.
“Các yếu tố này tương tự với đặc trưng của ngộ độc botulinum xuất hiện trong y văn, cùng với kết quả xét nghiệm vi sinh thực phẩm, xét nghiệm độc chất, khẳng định bệnh nhân bị ngộ độc botulinum”, bác sĩ Nguyên nói.
Do tính chất ngộ độc nặng nề, lại kéo dài, hai bệnh nhân lại có bệnh lý nền nên nguy cơ tử vong rất cao.
Ở Việt Nam hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Nhờ sự can thiệp, giúp đỡ của Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, Vụ Kế hoạch tài chính, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm chống độc Ramathiboditại Bangkok, Thái Lan và Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chiều ngày 29/8 hai lọ thuốc giải độc (Botulism Antitoxin Heptavalent) đã được khẩn cấp chuyển từ Thái Lan về, sử dụng giải độc cho hai bệnh nhân ngay sau đó.
Giá hai lọ thuốc giải độc khoảng 16.000 USD, hoàn toàn do WHO viện trợ, bệnh nhân không phải trả kinh phí. Với thuốc giải độc này, bệnh nhân nữ đã cải thiện rõ, tự ngồi dậy được, mở mắt, há miệng và giọng nói đã tốt hơn, bệnh nhân nam hy vọng sẽ giảm thời gian liệt nặng, giảm thời gian thở máy và hồi sức và qua đó giảm biến chứng và cũng như nguy cơ tử vong.
Ngoài hai bệnh nhân đang được điều trị nội trú, ba ngày qua, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân khác đến khám kiểm tra sau khi ăn pate Minh Chay. Họ đến với tình trạng nhẹ, chủ yếu bị yếu mỏi cơ, mệt, không vận động nặng được và đang được đánh giá tình trạng cụ thể để có hướng xử trí tiếp.
Bác sĩ Nguyên cho biết, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế trước đây chưa chính thức ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc loại này.
Loại ngộ độc này là xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn, khiến vi khuẩn xâm nhập, phát triển, gây ra độc tố.
Vi khuẩn thủ phạm có tên Clostridium botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp). Vi khuẩn tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là nha bào). Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí, chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí, không phát triển được trong môi trường chua, mặn. Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (do quy trình sản xuất không đảm bảo sạch), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín mà không đủ độ chua, độ mặn sẽ tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.
Độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, tuy nhiên nhanh chóng bị phá hủy ở 100 độ C, do đó ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm mới nấu chín. Sau khi người ăn phải, độc tố botulinum hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ. Biểu hiện của ngộ độc xuất hiện sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ, có thể tới một tuần. Bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở).
Đặc điểm đặc trưng của liệt là liệt mềm, liệt đối xứng hai bên, lan xuống bắt đầu từ vùng đầu xuống chân. Đặc biệt bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo do độc tố không tác động lên não. Về tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong. Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu nhưng thực ra vẫn tỉnh và biết xung quanh. Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục.
Đây là loại ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện ngộ độc lại giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc tetrodotoxin (như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ,… nên rất dễ nhầm. Một số bệnh nhân ngộ độc loại này cũng có thể bị bỏ sót khi liệt xuất hiện nhanh, không có người chứng kiến, khi phát hiện đã tử vong hoặc liệt nặng, không thể giao tiếp do đó không thể kể lại loại thức ăn nghi ngờ và biểu hiện bệnh đặc trưng ở trên.
Do số ca ngộ độc hiếm, rất ít công ty muốn sản xuất và cung cấp thuốc này, dẫn đến khó mua và giá rất cao. Khi tích trữ thuốc đến lúc hết hạn phải hủy bỏ, nhưng nếu bất ngờ xảy ra thảm họa do sự cố an toàn thực phẩm, lại dễ thiếu thuốc. Trên thế giới, thuốc được xếp vào nhóm thuốc hiếm, thuốc mồ côi (orphan drug), các quốc gia phải dự trữ thuốc này cùng các thuốc hiếm khác.
Hai lọ thuốc dùng cho bệnh nhân ở Bạch Mai được chuyển từ kho thuốc giải độc của Thái Lan, trên nhãn thuốc ghi rõ thuốc chỉ dùng cho mục đích của Kho Dự trữ chiến lược quốc gia (Strategic National Stockpile Use Only). Số lượng dự trữ thuốc này của nước bạn cũng không nhiều, bác sĩ cho biết.