- 16/03/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Ung thư đường mật tuy hiếm gặp và ít khi được nhắc đến, nhưng nó vẫn đang âm thầm tàn phá sức khỏe của rất nhiều người. Do đó, nắm được những thông tin quan trọng trong bài viết này sẽ giúp bạn học cách nhận biết để chẩn đoán và điều trị sớm.
I. Ung thư đường mật là gì?
Ung thư đường mật hay còn gọi ung thư ống mật là một bệnh ung thư hiếm gặp, do các tế bào ống mật biến đổi bất thường thành khối u.
Ống mật là ống dài nối túi mật, gan với ruột non, có chức năng vận chuyển mật sản xuất từ gan đến túi mật và lưu trữ trong túi mật, sau đó sẽ đổ xuống ruột non để phân hủy, tiêu hóa thức ăn.
Trong hầu hết các trường hợp, ung thư đường mật sẽ xảy ra ở những phần của đường mật nằm ngoài gan. Hiếm khi ung thư có thể phát triển trong các ống dẫn nằm trong gan.
II. Các loại ung thư đường mật
Ung thư đường mật có thể chia thành 3 loại chính là:
- Ung thư đường mật trong gan
- Ung thư đường mật ngoài gan
- Ung thư đường mật vùng rốn gan
Khoảng 95% các khối u đường mật là lọai ung thư biểu mô tuyến, bắt nguồn từ các mô tuyến, với đặc điểm là tiến triển nhanh, phát hiện muộn. Ít phổ biến hơn là ung thư biểu mô tế bào vảy, phát triển trong các tế bào vảy lót đường tiêu hóa của bạn.
Các khối u phát triển bên ngoài gan sẽ có xu hướng khá nhỏ, nhưng nếu trong gan nó có thể nhỏ hoặc lớn.
Ung thư đường mật thường phát triển chậm và không lan tỏa (di căn) một cách nhanh chóng.
III. Triệu chứng của ung thư đường mật
Các triệu chứng của ung thư đường mật có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí khối u, có thể bao gồm:
- Vàng da, mắt
- Nước tiểu và phân có màu sẫm
- Ngứa
- Đau bụng và lan ra sau lưng
- Ớn lạnh
- Sốt
- Chán ăn
- Sụt cân
- Mệt mỏi
IV. Nguyên nhân gây ung thư đường mật
Trước đây, nguyên nhân gây ung thư đường mật được cho là do một loại ung thư khác di căn đến mật.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều nghiên cứu đã nhận thấy rằng sán lá gan mới là nguyên nhân chính gây ung thư đường mật. Ngoài ra, nếu bệnh nhân mắc một số bệnh sau đây có thể gây ra sẹo làm tăng nguy cơ ung thư đường ống mật như:
- Sỏi mật
- Bệnh tự miễn
- Viêm loét đại tràng
- Xơ viêm đường mật (PSC)
- Suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể
V. Yếu tố nguy cơ mắc ung thư đường mật
Bạn có nhiều khả năng bị ung thư đường mật nếu bạn là nam giới hoặc trên 65 tuổi. Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này, bao gồm:
- Nhiễm sán lá gan, giun dẹp ký sinh
- Nhiễm trùng ống mật hoặc viêm mãn tính
- Nhiễm các vi khuẩn thuộc nhóm Campylobacter
- Viêm loét đại tràng
- Nang ống mật chủ
- Tiếp xúc với hóa chất được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sản xuất máy bay
- Các yếu tố hiếm gặp khác như viêm xơ đường mật nguyên phát, viêm gan, hội chứng Lynch hoặc u nhú đường mật.
Xét nghiệm máu bao gồm xét nghiệm chức năng gan để chẩn đoán ung thư đường mật.
VI. Chẩn đoán ung thư đường mật
Để chẩn đoán ung thư đường mật, trước tiên bác sĩ sẽ khám sức khỏe và có thể lấy mẫu máu. Xét nghiệm máu có thể kiểm tra xem gan của bạn đang hoạt động tốt hay không và giúp tìm kiếm các chất chỉ điểm khối u.
Xét nghiệm chức năng gan (đặc biệt là phosphatase kiềm, bilirubin, chức năng đông máu toàn bộ, các marker ung thư như CEA, CA 19-9)
Bạn cũng có thể cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT và chụp MRI. Nó sẽ cung cấp hình ảnh về đường mật của bạn và các khu vực xung quanh, cũng như có thể tiết lộ các khối u.
Siêu âm bụng: thường được chỉ định ở những bệnh nhân nghi ngờ vàng da tắc mật. Siêu âm bụng bác sĩ sẽ quan sát được ống mật, túi mật và gan qua ống sáng, giúp xác định tắc nghẽn và dãn đường mật. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể chẩn đoán ung thư đường mật.
Sinh thiết khối u qua hướng dẫn của siêu âm hoặc CTscan, từ đó giúp chẩn đoán xác định được khối u lành tính hay ác tính.
Một thủ thuật khác được gọi là nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đôi khi sẽ được thực hiện. Trong quá trình ERCP, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống dài, mềm, đầu có gắn đèn và camera vào thực quản rồi xuống đến dạ dày, tá tràng, ống mật. Sau đó bác sĩ tiêm thuốc nhuộm vào đường mật, giúp các ống dẫn hiển thị rõ ràng trên Xquang, từ đó bác sĩ có thể nhìn thấy bên trong các cấu trúc trên xem có khối u hay sự tắc nghẽn nào không.
Đối với chụp đường mật qua da (PTC), bác sĩ sẽ chụp Xquang sau khi tiêm thuốc nhuộm vào gan và đường mật của bạn. Trong trường hợp này, bác sĩ tiêm thuốc nhuộm thẳng vào gan của bạn qua da bụng.
VII. Các giai đoạn của ung thư đường mật
- Giai đoạn 0: Ung thư xuất hiện ở lớp niêm mạc trong cùng của ống mật.
- Giai đoạn IA: Ung thư có ở thành ống mật, nhưng chưa phát triển hết.
- Giai đoạn IB: Ung thư đã ăn sâu và phát triển qua thành ống mật, nhưng chưa lan rộng ra bất cứ nơi nào khác.
- Giai đoạn IIA. Từ thành ống mật, khối u ung thư bắt đầu xâm nhập vào các cấu trúc gần đó, chẳng hạn như gan, tuyến tụy, hoặc túi mật.
- Giai đoạn IIB. Ung thư phát triện và lan rộng ở ống mật và lan sang các hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến các hệ bạch huyết.
- Giai đoạn III. Ung thư xâm nhập vào tĩnh mạch chính hoặc động mạch hoặc một phần của ruột non, túi mật, đại tràng, hoặc dạ dày.
- Giai đoạn IV. Ung thư đã di căn sang các vị trí khác như xương, phổi, gan…
Các dạng ung thư đường mật ngoài gan.
VIII. Điều trị ung thư đường mật
Phương pháp điều trị ung thư đường mật sẽ khác nhau tùy theo vị trí và kích thước của khối u và liệu nó đã lan rộng (di căn) hay chưa, cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn có đáp ứng với điều trị hay không.
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn duy nhất có thể chữa khỏi bệnh, đặc biệt đối với ung thư được phát hiện sớm và chưa lan ra ngoài gan hoặc ống mật. Đôi khi, nếu khối u vẫn nằm trong đường mật, bạn có thể chỉ cần cắt bỏ ống dẫn. Nhưng nếu ung thư đã lan ra ngoài ống dẫn và vào gan của bạn, một phần hoặc toàn bộ gan có thể phải cắt bỏ.
Trường hợp ung thư đã xâm lấn đến các cơ quan lân cận, bác sĩ có thể sử dụng thủ thuật Whipple. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ loại bỏ:
- Ống mật
- Túi mật
- Tuyến tụy
- Phần dạ dày và ruột của bạn
Ngay cả khi bệnh ung thư của bạn không thể chữa khỏi, bạn có thể phẫu thuật để điều trị các ống dẫn mật bị tắc và giảm một số triệu chứng khó chịu. Thông thường, bác sĩ sẽ chèn một ống để giữ ống dẫn mở hoặc tạo một đường vòng. Điều này có thể giúp điều trị bệnh vàng da của bạn.
2. Hóa trị hoặc xạ trị
Sau phẫu thuật, bạn có thể được chỉ định hóa trị hoặc xạ trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát tại đường mật.
Tuy nhiên, đa phần các thuốc hóa trị sẽ chỉ đáp ứng tốt trong giai đoạn bệnh tiến triển. Còn đối với giai đoạn muộn, phương pháp này mang tính tạm thời nhằm kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
3. Phương pháp khác
Ngoài ra, đối với những người bệnh không thể cắt bỏ được khối u, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp đặt stent để giúp giảm tắc nghẽn đường mật và giảm vàng da.
Hoặc thực hiện liệu pháp quang động (photodynamic) bằng chiếu tia laser nội soi kết hợp với các thuốc hóa trị kích hoạt bằng ánh sáng, giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cấy ghép gan người hiến tặng, nhưng ung thư ống mật lại có xu hướng tái phát rất nhanh sau khi cấy ghép nên phương pháp này hiếm khi được sử dụng.