- 16/03/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Kháng kháng sinh là một trong những thách thức y tế lớn nhất toàn cầu, đe dọa tính mạng con người và tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Từ năm 1930 đến 1960 có thể xem là “kỷ nguyên vàng” của ngành sản xuất kháng sinh khi liên tục chứng kiến sự ra đời và phát triển của hàng loạt loại kháng sinh mới.
Tuy nhiên, sự xuất hiện, lan rộng và tồn tại dai dẳng của vi khuẩn đa kháng (MDR) hay còn gọi là siêu vi khuẩn – các chủng vi khuẩn làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Sự gia tăng này có thể đến từ các thể vi khuẩn đột biến dẫn đến đề kháng với nhiều loại kháng sinh khác nhau. Hiện tượng này được gọi là kháng kháng sinh (AMR).
Theo New Yorks Times (Mỹ), các công ty dược sản xuất kháng sinh có nguy cơ phá sản do khó thu hồi vốn, vòng đời kháng sinh ngày càng ngắn, không mặn mà nghiên cứu kháng sinh mới… Nếu những năm 1980 trên thế giới có 18 công ty dược phảm sản xuất kháng sinh mới thì đến nay chỉ còn khoảng 3-4. Các loại thuốc hiện hành rất khó điều trị các loại siêu vi khuẩn như Staphylococcus Aureus kháng Methicillin (MRSA) và khuẩn lao cực kháng thuốc (MDR).
Nhiều tổ chức như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều cho rằng kháng kháng sinh là mối quan ngại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị bệnh.
Covid-19 và đề kháng kháng sinh toàn cầu
Năm 2020, ngành y tế còn chứng kiến sự bùng nổ của Covid-19 và là nguyên nhân khiến tình hình khó đoán trước vì tình trạng lạm dụng kháng sinh trong kiểm soát dịch bệnh.
Một tổng quan đánh giá đăng trên Tạp chí Clinical Microbiology and Infection – CMI (thuộc Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm châu Âu – ESCMID) trên 3.338 bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy 71,8% được điều trị kháng sinh mặc dù chỉ có 6,9% mắc nhiễm khuẩn. Các bệnh nhân nhiễm nCoV sẽ có các triệu chứng của nhiễm virus như sốt, ho khan, mệt mỏi… thường không thể điều trị bằng kháng sinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), azithromycin đang được sử dụng rộng rãi với hydroxychloroquine để điều trị Covid-19 mặc dù chưa được khuyến cáo ngoài các thử nghiệm lâm sàng. Điều này có thể dẫn đến lo ngại về vấn đề gia tăng kháng kháng sinh azithromycin, loại thuốc được ghi nhận có giá trị trong nhiều trường hợp điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Chính những điều này góp phần dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh.
Nếu tốc độ gia tăng kháng thuốc không chậm lại, WHO ước tính đến năm 2050 sự gia tăng nhiễm khuẩn kháng thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến 10 triệu sinh mạng mỗi năm. Báo cáo về đánh giá khả năng kháng kháng sinh do Tổ chức tư vấn Chatham House (Anh) ước tính tổn thất kinh tế tích lũy vì kháng kháng sinh đến năm 2050 có thể lên đến 100.000 tỷ đô la.
Giải pháp ngăn chặn kháng kháng sinh
Ngay cả khi những con số đang ở mức báo động không đồng nghĩa con người hoàn toàn không có khả năng thay đổi tình thế. Nâng cao nhận thức toàn cầu về kháng kháng sinh trên diện rộng để không còn tình trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, đồng thời bác sĩ lâm sàng và bác sĩ thú y không kê toa kháng sinh khi không cần thiết.
Các biện pháp chẩn đoán nhanh cũng góp phần giúp chuyển đổi phương thức sử dụng kháng sinh ở người và động vật, nhờ đó giảm thiểu sử dụng kháng sinh không cần thiết, làm chậm tốc độ kháng kháng sinh và có thể kéo dài vòng đời hiệu lực của các loại kháng sinh hiện có. Từ khắp các tổ chức và quốc gia nên chủ động tiến hành ngay các công tác cần thiết để giảm thiểu tác động và hạn chế lan rộng đề kháng kháng sinh, nhất là trong bối cảnh Covid-19 làm tăng tốc độ kháng kháng sinh như hiện nay.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại Việt Nam vừa qua đã ký kết Biên bản ghi nhớ chương trình “Hợp tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam giai đoạn 2021-2023” như là một trong những nỗ lực ngăn chặn kháng kháng sinh tại Việt Nam, góp phần đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho thế hệ tương lai.
Các đơn vị sẽ triển khai các chương trình nâng cao năng lực nhân viên y tế về điều trị và kê đơn kháng sinh hợp lý cho các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng kháng sinh…