- 12/04/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là nhóm bệnh chiếm lớn nhất trong các bệnh động mạch vành. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương chỉ ra các dấu hiệu nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh nhân đến bệnh viện sẽ được thăm khám thế nào để có chẩn đoán.
1. Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là tình trạng thế nào, gây ra do nguyên nhân gì?
Bệnh tim thiếu máu cục bộ (ischemic heart disease – IHD) là một nhóm bệnh thuộc bệnh mạch vành (coronary artery disease – CAD), bao gồm: bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định (stable ischemic heart disease – SIHD), hội chứng vành cấp (acute coronary syndrome) và đột tử do bệnh mạch vành (sudden death due to coronary heart disease).
Thiếu máu cơ tim cục bộ là tình trạng một vùng cơ tim bị giảm lưu lượng máu tới nuôi dưỡng, nên không nhận đủ máu và oxy, mà nguyên nhân xuất phát từ việc một hay nhiều mạch máu nuôi tim (hệ động mạch vành) bị hẹp, gây tổn thương một phần cơ tim – nơi được nuôi bởi những mạch máu bị hẹp này. Hậu quả là người bệnh xuất hiện triệu chứng cơn đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực, thậm chí là ngất, đột ngột ngưng tim.
Nguyên nhân gây nên bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ thường gặp nhất là do xơ vữa hệ động mạch vành. Các mảng xơ vữa xuất hiện làm hẹp lòng động mạch vành (mạch máu nuôi tim) và hạn chế dòng máu tới tim. Lúc đầu tình trạng hẹp lòng mạch biểu hiện không rõ ràng nhưng dần dần các mảng xơ vữa phát triển dày thêm thì các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn. Trường hợp các mảng xơ vữa mềm, chúng có thể bong ra bất cứ lúc nào, hình thành cục máu đông làm bít tắc mạch máu và gây nhồi máu cơ tim. Trong thời gian ngắn nếu không được xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
Ngoài ra, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ còn có thể xuất phát từ co thắt mạch vành, rối loạn chức năng vi tuần hoàn mạch vành…
2. Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có phải là bệnh mạch vành không?
Như đã nói ở trên, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ chỉ là một nhóm bệnh thuộc bệnh động mạch vành mà thôi. Vì bệnh động mạch vành còn bao gồm dị tật bẩm sinh động mạch vành, nghẽn động mạch vành do thuyên tắc (cục máu, khí, mảnh sùi…), cầu cơ động mạch vành hay cầu cơ tim (myocardial bridging), viêm động mạch vành do bệnh hệ thống (bệnh Kawasaki, bệnh Takayasu, bệnh Lupus ban đỏ…), tổn thương động mạch vành do xạ trị.
Nhưng mà, trên lâm sàng, nhiều bác sĩ và người dân mình hay “hiểu ngầm” là bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ = bệnh động mạch vành, bởi vì bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là nhóm bệnh chiếm lớn nhất trong các bệnh động mạch vành, những nguyên nhân còn lại ít gặp hơn nhiều.
3. Những ai có nguy cơ bị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ?
Yếu tố nguy cơ là các yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng bị mắc bệnh. Một người mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ nào đó có nghĩa là có sự gia tăng khả năng mắc bệnh của người đó chứ không phải bắt buộc là chắc chắn sẽ bị bệnh. Thường thì các yếu tố nguy cơ hay đi kèm nhau, thúc đẩy nhau phát triển và làm nguy cơ bị bệnh tăng theo cấp số nhân.
Các yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, gồm:
– Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được:
- Tuổi tác: Động mạch ở người lớn tuổi rất dễ bị tổn thương và trở nên hẹp hơn.
- Giới tính: Nam giới cũng có nhiều nguy cơ phát triển bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hơn phụ nữ, nhưng khi phụ nữ tới độ tuổi mãn kinh thì nguy cơ mắc bệnh ở hai giới là như nhau.
- Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người mắc bệnh mạch vành hay đột quỵ thì nguy cơ bạn cũng mắc các bệnh này cao hơn.
– Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
- Khói thuốc. Hút thuốc chủ động hay tiếp xúc với khói thuốc lâu dài có thể gây tổn thương thành động mạch. Khi đó, các mảng bám cholesterol và các chất khác có điều kiện thuận lợi để hình thành, khiến lưu lượng máu chậm lại. Hút thuốc cũng làm tăng khả năng bị co thắt động mạch vành và tăng nguy cơ tạo ra cục máu đông.
- Bệnh đái tháo đường: đường huyết cao thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa động mạch.
- Tăng huyết áp. Theo thời gian, huyết áp cao có thể thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn, gây tổn thương động mạch vành.
- Bệnh thận mạn.
- Nồng độ cholesterol cao. Cholesterol là một thành phần chính trong các mảng bám trên thành động mạch. Nồng độ cholesterol xấu (LDL) trong máu cao có khả năng là do yếu tố di truyền hoặc chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
- Nồng độ triglyceride cao. Triglyceride là một loại mỡ máu khác với cholesterol nhưng cũng góp phần gây ra xơ vữa động mạch.
- Béo phì. Béo phì có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác như đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao.
- Chu vi vòng bụng. Số đo này lớn hơn 89cm ở nữ giới và 102cm ở nam giới sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim.
- Lười vận động thể chất. Không tập thể dục thường xuyên cũng góp phần gây béo phì và có liên quan đến tình trạng cholesterol hay mỡ máu cao.
- Lạm dụng rượu và ma túy
- Nữ giới trên 35 tuổi sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên.
4. Biểu hiện của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ như thế nào? Khi nào phải đi thăm khám?
Triệu chứng lâm sàng điển hình của thiếu máu cục bộ cơ tim là cơn đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực điển hình biểu hiện bằng cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, vai, lưng hoặc cánh tay, triệu chứng gia tăng khi gắng sức hoặc stress tình cảm, biến mất khi ngậm nitroglycerin. Cơn đau thắt ngực gọi là ổn định khi các đặc điểm của cơn đau (tần suất, độ nặng, thời gian đau, giờ xuất hiện và yếu tố làm nặng) không thay đổi trong 60 ngày trước.
Bệnh nhân có thể không có cảm giác đau, mà mô tả cảm giác khác ở ngực như: đè nặng, bóp nghẹt, khó chịu, nóng bỏng, khó tiêu, xiết chặt, tức, đầy đầy, nặng ngực…vị trí đau thường ở sau xương ức hay ngực trái, có thể kèm hoặc chỉ đau thượng vị, có thể lan tới cánh tay, ít hơn tới 2 vai, hàm dưới, bụng nhưng không lan xuống dưới rốn.
Người bệnh cần chú ý là có 2 loại đau thắt ngực là đau thắt ngực ổn định và không ổn định.
Cơn đau thắt ngực ổn định là loại đau thắt ngực phổ biến nhất, xảy ra khi hoạt động gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi hoặc khi sử dụng các thuốc giãn mạch. Do vậy, người bệnh có thể dự đoán được thời điểm xuất hiện cơn đau. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau thắt ngưc ổn định là do những mảng xơ vữa ổn định, không bị nứt gãy hoặc không bị vỡ.
Cơn đau thắt ngực không ổn định là tình trạng không thể dự đoán được. Nguyên nhân chủ yếu do sự nứt vỡ những mảng xơ vữa không ổn định, từ đó hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn lòng mạch vành. Cơn đau diễn ra đột ngột, có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi hay đang ngủ. Mức độ đau nghiêm trọng hơn rất nhiều so với đau thắt ngực ổn định và có thể không giảm bớt khi bạn nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì đây thường là dấu hiệu cảnh báo một cơn nhồi máu cơ tim.
Mặt khác, không phải lúc nào cơn đau thắt ngực cũng điển hình như vậy, mà thường gặp hơn là những cơn đau thắt ngực không điển hình, và những triệu chứng tương đương với cơn đau thắt ngực. Theo đó, bệnh nhân có thể chỉ có cảm giác khó thở khi gắng sức, rất giống với bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính; hay đau thượng vị khi gắng sức, rất giống với cơn đau dạ dày, và có khi chỉ là cảm giác mệt, giảm dung nạp với gắng sức. Hoặc như, bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn nhưng lại có cảm giác giống với cơn đau ngực không điển hình do tim.
Vì thế, để chẩn đoán thiếu máu cơ tim cục bộ, ngoài các triệu chứng mà bệnh nhân miêu tả, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm như điện tim, chụp động mạch vành để khẳng định bệnh.
5. Cách thức, phương tiện thăm khám bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ?
Để chẩn đoán bệnh này, bác sĩ sẽ bắt đầu khám sức khỏe tổng quát và hỏi về các triệu chứng trước kia cũng như các triệu chứng hiện tại khiến người bệnh phải đi khám. Ngoài ra, bác sĩ cũng hỏi về các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có ai mắc mắc bệnh tim mạch hay không.
Để xác định chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như:
- Đo điện tâm đồ (ECG) để ghi lại hoạt động điện tim và tìm kiếm dấu hiệu bất thường.
- Xquang ngực. mặc dù Xquang tim phổi có thể bình thường ở bệnh nhân có cơn đau thắt ngực ổn định, nhưng nó sẽ giúp ích trong việc tìm ra những bệnh nhân đau ngực không do động mạch vành như viêm phổi, thuyên tắc phổi…
- Xét nghiệm gắng sức (stress test), theo dõi nhịp tim, huyết áp và hơi thở của người bệnh trong khi thực hiện một số hoạt động thể chất như chạy bộ hay đạp xe trên máy. Qua đó, các vấn để ở tim có thể được phát hiện.
- Siêu âm tim để thu lấy hình ảnh của trái tim. Qua quan sát, bác sĩ có thể xác định khu vực nào bị tổn thương và không còn khả năng bơm máu như bình thường.
- Chụp động mạch vành nhờ sự hỗ trợ của thuốc cản quang được tiêm vào mạch máu và tia X. Hình ảnh thu được giúp bác sĩ nhìn rõ vấn đề bên trong mạch máu.
- Chụp CT tim để xem có các mảng bám bên trong động mạch vành hay không (xơ vữa động mạch).
- Xạ ký tưới máu cơ tim.