- 08/04/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Hạ đường huyết được định nghĩa là khi đường huyết ở dưới ngướng 70mg/dL. Hạ đường huyết nghiêm trọng là khi đường huyết ở dưới ngưỡng 55mg/dL.
Thông thường, hạ đường huyết ban ngày sẽ được kiểm soát bằng việc test đường huyết thường xuyên và đáp ứng với các triệu chứng hạ đường huyết. Tuy nhiên, hạ đường huyết ban đêm lại thường không được nhận ra. Do vậy, vào ban đêm, đường huyết có thể sẽ bị giảm xuống ở ngưỡng nghiêm trọng. Nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng có tới một nửa số trường hợp hạ đường huyết ở ngưỡng nghiêm trọng là do hạ đường huyết ban đêm.
Có rất nhiều biện pháp giúp bạn điều trị và dự phòng tình trạng hạ đường huyết ban đêm.
Nguyên nhân
Rất nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng hạ đường huyết ban đêm. Nghiên cứu năm 2015 chỉ ra các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Có chỉ số HbA1C thấp
- Luyện tập thể thao với cường độ trung bình hoặc cao trong suốt cả ngày, trước khi bị hạ đường huyết
- Đường huyết trước khi đi ngủ xuống thấp
- Bị hạ đường huyết ban ngày.
Các nguyên nhân khác có thể gây hạ đường huyết ban ngày cũng sẽ gây hạ đường huyết vào ban đêm, bao gồm:
- Thời tiết nóng ẩm
- Thay đổi lịch sinh hoạt
- Bị ốm, mệt
- Dậy thì (ở trẻ em bị tiểu đường typ 1)
- Sống ở vùng vĩ độ cao
- Quá nhiều insulin
- Quá ít carbohydrate
- Tiêm insulin sai thời điểm
- Luyện tập thể thao
- Tiêu thụ đồ uống có cồn
Triệu chứng
Nếu hạ đường huyết xảy ra vào ban đêm, bạn có thể xuát hiện một vài dấu hiệu. Người ngủ cùng bạn có thể sẽ thấy bạn:
- Ngủ không yên
- Vã mồ hôi, nóng, da ớn lạnh
- Thở nhanh
- Đột nhiên thở chậm hơn
- Run
- Gặp ác mộng hoặc gián đoạn giấc ngủ.
Nếu bạn vẫn ngủ trong khi bị hạ đường huyết ban đêm, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng sau khi thức dậy:
- Đau đầu, lờ đờ hoặc bị kích động khi đứng dậy đi lại
- Cảm thấy mệt mỏi trong suốt cả ngày hôm sau
- Ga giường và quần áo bị ẩm ướt (dấu hiệu vã mồ hôi)
- Gián đoạn giấc ngủ.
Nhiều người xuất hiện trạng thái hạ đường huyết mà không để ý. Họ có thể không có các dấu hiệu về mặt thể chất của việc hạ đường huyết và thường sẽ ngủ qua cơn hạ đường huyết. Bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng hạ đường huyết mà không để ý nếu:
- Bạn đã bị tiểu đường lâu năm (trên 5 năm)
- Gần đây bạn xuất hiện các đợt hạ đường huyết
- Bạn sử dụng các loại thuốc như thuốc chẹn beta
Hạ đường huyết không chú ý có thể khiến những người bị tiểu đường typ 1 có nguy cơ bị hạ đường huyết nghiêm trọng cao hơn gấp 6 lần, theo một nghiên cứu năm 2015.
Mẹo kiểm soát và dự phòng tình trạng hạ đường huyết ban đêm
Nếu bạn bị hạ đường huyết ban đêm, bạn nên thực hiện các biện pháp dự phòng tương tự như việc dự phòng hạ đường huyết ban ngày: ăn các loại carbohydrate tác động nhanh và tác động chậm.
Nếu bạn đang chăm sóc người thân có dấu hiệu hạ đường huyết, hãy đánh thức họ dậy. Nếu họ tỉnh dậy và có thể tự ngồi dậy được, hãy cho họ các loại đường tác dụng nhanh như nước hoa quả hoặc kẹo cứng. Nếu họ không thể thức dậy được, hãy sử dụng kit cấp cứu glucagon. Khi họ có thể thức dậy được sau khi tiêm glucagon, hãy cho họ ăn một bữa ăn nhẹ và kiểm tra đường huyết vài tiếng một lần.
Để dự phòng tình trạng hạ đường huyết ban đêm thường xuyên xảy ra, kéo dài, bạn nên:
- Kiểm tra đường huyết trước khi ngủ
- Tuân thủ việc ăn đúng giờ với cả bữa chính và bữa phụ
- Điều chỉnh liều insulin nếu cần, trước khi đi ngủ.
Một số lựa chọn khác bác sĩ cũng có thể cân nhắc bao gồm:
- Thay đổi liều, loại hoặc thời gian tiêm insulin
- Thay đổi liều, loại hoặc thời gian sử dụng các loại thuốc khác
Kết luận
Nếu bạn bị hạ đường huyết ban đêm, hãy trao đổi với bác sĩ để phát triển các giải pháp dự phòng tình trạng này.