- 16/04/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Khi trẻ bị tay chân miệng, các vết loét trong miệng có thể gây đau đớn, khiến trẻ chán ăn. Để đảm bảo trẻ có đủ năng lượng và sức đề kháng, cha mẹ hãy thử nấu những món ăn mềm và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
Nên kiêng gì khi bị tay chân miệng?
Khi trẻ bị tay chân miệng, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ chống lại virus gây bệnh. Các vết phồng rộp trong miệng khiến trẻ đau đớn khi nhai, nuốt, vì thế cha mẹ cần tránh cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng hay đồ ăn vặt có vị mặn, cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Trẻ bị tay chân miệng cần uống nhiều nước để làm dịu những vết loét xung quanh miệng và lưỡi. Tuy nhiên, trẻ không nên uống nước cam, nước chanh, nước có gas, bởi thức uống có tính acid có thể vết loét trong miệng thêm đau rát. Thay vào đó, cha mẹ có thể cho bé uống nước dừa, sữa hoặc cho bé bú thường xuyên hơn.
Món ăn mềm thích hợp cho trẻ bị tay chân miệng
Với trẻ lớn hoặc trẻ đã ăn dặm, một số món ăn mềm, dễ tiêu sau đây bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình điều trị tay chân miệng.
Cháo tôm bí đỏ
Bí đỏ giàu beta-carotene – tiền chất của vitamin A có thể ngăn ngừa nhiễm trùng, thúc đẩy quá trình lành sẹo. Khi được hấp hoặc nấu thành cháo, bí đỏ mềm nhuyễn rất dễ ăn. Bạn có thể thay tôm bằng thịt nạc xay nhuyễn để đổi vị cho bé.
Nguyên liệu:
200gr bí đỏ
200gr tôm tươi
50gr gạo nếp
50gr gạo tẻ
Hạt nêm, đường, bột ngọt, muối
Cách thực hiện:
Bước 1: Trộn 2 loại gạo với nhau, ngâm nước 1 tiếng đồng hồ cho gạo mềm.
Bước 2: Chọn những trái bí đỏ ngon, gọt vỏ, rửa sạch rồi thái ra thành từng miếng nhỏ.
Bước 3: Chọn tôm tươi, bạn dùng kéo cắt bỏ đầu, đuôi và vỏ tôm, rút bỏ chỉ đen rồi rửa lại thật sạch sẽ, vớt ra rổ để ráo nước. Luộc qua tôm với nước sôi, thêm hạt nêm ướp cùng với tôm khoảng 15 phút rồi bỏ vào máy sinh tố xay cho thật nhuyễn.
Bước 4: Bắc lên bếp 1 nồi nước với lượng vừa đủ, cho hỗn hợp gạo và bí đỏ vào đun với lửa nhỏ để gạo và bí đỏ được ninh thật mềm.
Cho tiếp tôm đã nhuyễn vào và khuấy đều cho tới khi tôm chín thì nêm nếm lại gia vị cho hợp với khẩu vị và sở thích của bé.
Súp gà nấm
Nguyên liệu:
300g thịt ức gà
100g nấm hương
100g hạt ngô ngọt
1 củ cà rốt
Muối, hạt nêm
3 thìa cà phê bột năng
Cách thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch thịt gà, luộc cùng chút muối và lượng nước đủ ngập thịt. Trong khi luộc, bạn nên vớt bọt ra để nước thật trong.
Bước 2: Rửa sạch hạt ngô ngọt, có thể xay nhỏ nếu bé mới bắt đầu ăn dặm. Nấm hương ngâm nở mềm, làm sạch rồi thái sợi chỉ nhỏ hoặc băm sơ. Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ thái sợi hoặc băm nhỏ. Trộn bột năng với 5 thìa nước rồi khuấy tan.
Bước 3: Thịt gà luộc chín gắp ra để nguội, sau đó xé thành sợi nhỏ.
Bước 4: Đun sôi nước luộc gà, thêm hạt nêm, muối theo khẩu vị. Khi nước sôi, mẹ cho ngô đã xay và cà rốt đã băm vào nồi. Đun trong vòng 3 – 5 phút để ngô, cà rốt mềm thì thêm thịt gà, nấm hương.
Bước 5: Tiếp đến, đổ từ từ nước bột năng vào nồi, vừa đổ vừa khuấy đều đến khi nào nước sánh lại. Cuối cùng, mẹ múc ra chén và cho bé thưởng thức khi súp bớt nóng.
Sinh tố hoa quả
Một số trái cây mềm, thích hợp cho trẻ bị tay chân miệng gồm đu đủ, dưa hấu, bơ sáp,… Cha mẹ có thể xay nhuyễn hoa quả thành món tráng miệng, món ăn nửa buổi cho bé.
Các bé bị tay chân miệng có thể ăn kem để làm dịu các vết loét trong khoang miệng. Tuy nhiên, cha mẹ không nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm chứa nhiều arginine như chocolate, đậu phộng (lạc), nho khô, các loại hạt để tránh làm các triệu chứng nghiêm trọng hơn.