- 02/04/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng hàng ngày, chế độ ăn uống cũng tác động trực tiếp đến hơi thở của bạn. Một số thực phẩm sau có thể giúp cải thiện tình trạng hôi miệng từ bên trong.
Tình trạng hôi miệng liên quan mật thiết tới thực phẩm mà bạn ăn hàng ngày.
Mùi hơi thở khó chịu xuất hiện khi các hợp chất sulphur dễ bay hơi tồn tại với nồng độ cao trong khoang miệng. Các hợp chất này được tạo ra bởi vi khuẩn kỵ khí phân giải protein tại những vị trí khó làm sạch như: Vùng kẽ giữa các răng, bề mặt lưỡi…
Tình trạng hôi miệng tạm thời có thể cải thiện nhờ thói quen chăm sóc răng miệng đúng đắn, đánh răng 2 lần/ngày với kem đánh răng chứa fluoride. Uống đủ nước cũng giúp tuyến nước bọt hoạt động hiệu quả, hạn chế mùi hơi thở khó chịu.
Ngoài ra, người bị hôi miệng nên ăn một số thực phẩm sau để hơi thở thơm mát hơn:
Táo
Ăn táo giúp bạn giữ hơi thở thơm tho.
Theo Livestrong, táo là trái cây có độ giòn, khi ăn có thể giúp đánh bật các vi khuẩn và mảng bám giữa các kẽ răng hoặc mặt nhai của răng. Ngoài ra, chất chống oxy hóa polyphenols dồi dào trong táo có thể ngăn ngừa sự phát triển của một số vi khuẩn trong khoang miệng. Do đó, ăn táo thường xuyên hỗ trợ cải thiện phần nào tình trạng hôi miệng.
Rau lá xanh
Trong rau lá xanh như rau xà lách, rau chân vịt và cải xoăn chứa chlorophyll hay chất diệp lục – một hợp chất có khả năng khử mùi tự nhiên, giúp hơi thở thơm tho hơn. Các món ăn nhiều rau xanh như salad có thể cân bằng độ pH, giảm tình trạng dư thừa acid trong khoang miệng – nguyên nhân chính dẫn đến hôi miệng. Ngoài ra, rau lá xanh chứa lượng calci đáng kể, giúp bảo vệ men răng.
Rau mùi tây, húng tây và bạc hà
Húng tây, rau mùi là rau thơm trị hôi miệng có thể trồng tại nhà.
Không chỉ tạo hương vị cho món ăn, các giống rau thơm như mùi tây, húng tây (basil), bạc hà chứa các enzyme có thể trung hòa hợp chất sulfur gây mùi hôi khó chịu. Giống như táo, các hợp chất polyphenols trong rau thơm có thể ngăn ngừa các vi khuẩn gây mùi trong miệng.
Gừng
Hợp chất gingerol-6 trong gừng có thể kích thích các enzyme trong nước bọt, giúp phân hủy các hợp chất sulfur gây mùi trong hơi thở. Ngoài ra, uống trà gừng cũng có thể cải thiện tình trạng hôi miệng do các vấn đề tiêu hóa như khó tiêu, đầy hơi…
Sữa chua không đường
Sữa chua không đường là thực phẩm nên có trong chế độ ăn hàng ngày của người bị hôi miệng. Không chỉ cung cấp calci giúp răng chắc khỏe, sữa chua còn giàu các lợi khuẩn giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa, đồng thời ngăn cản vi khuẩn xấu gây mùi hôi miệng.
Hạt thì là
Trà thì là giúp cải thiện tình trạng hôi miệng.
Hạt thì là có mùi thơm và vị ngọt tương tự như cam thảo, khi nhai nát có thể kích thích miệng tăng tiết nước bọt để loại bỏ các vi khuẩn kỵ khí gây mùi trong khoang miệng. Ngoài ra, sử dụng hạt thì là trong các món ăn, món bánh hoặc pha trà cũng đem lại hiệu quả ngăn ngừa chứng hôi miệng.
Chứng hôi miệng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến giao tiếp của người mắc mà còn có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe như viêm nướu, lợi, viêm loét dạ dày, đái tháo đường… Khi phát hiện bị hôi miệng kéo dài, bạn cần đi khám để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời.