- 23/03/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Nhiều người bệnh đái tháo đường thường bỏ bữa sáng hoặc kiêng khem quá mức vì nghĩ như thế sẽ giảm được lượng tinh bột. Tuy nhiên, điều này khiến cơ thể bị hạ đường máu, gây biến chứng nguy hiểm.
Trong điều trị bệnh đái tháo đường phải tuân thủ 3 nguyên tắc trụ cột là: chế độ ăn, tập luyện thể lực và dùng thuốc. Bên cạnh mục tiêu kiểm soát tốt đường máu thì người bệnh đái tháo đường phải chú ý giữ gìn sức khỏe để có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Vì vậy nên tập thể dục thể thao và kiểm soát chế độ ăn phù hợp, không nên quá khắt khe để tránh nguy cơ bị mệt mỏi, dễ bị hạ đường máu.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường – Bệnh viện Bạch Mai, một nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là phải duy trì các bữa ăn đầy đủ, đều đặn hàng ngày, tuyệt đối không được bỏ bữa vì bỏ bữa ăn là yếu tố nguy cơ lớn của hạ đường máu.
“Bỏ bữa ăn sáng càng nguy hiểm vì dễ gây hạ đường máu ban ngày hơn do buổi sáng là thời điểm chúng ta làm việc và gắng sức nhiều, cần nhiều glucose và năng lượng nhất” – TS.BS Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh.
Bỏ bữa sáng là khiến người bệnh đái tháo đường dễ bị giảm đường huyết
Trong hướng dẫn điều trị của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2021 có nêu, những bệnh nhân đái tháo đường nên duy trì đường huyết trước bữa ăn từ 4,4 – 7,2 mmol/l và đường huyết sau ăn (từ 1 – 2h) là dưới 10 mmol/l. Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, đây chỉ là mục tiêu đường huyết cho những người bệnh đái tháo đường nói chung, còn tùy mỗi người sẽ có mục tiêu đường huyết cụ thể cao hơn hoặc thấp hơn mức trên.
“Ví dụ, những bệnh nhân lớn tuổi, bị đái tháo đường lâu, có nhiều bệnh đi kèm hoặc đã có biến chứng thận, tim mạch thì nên để đường huyết cao hơn, ví dụ đường huyết trước ăn từ 6-9 mmol/l. Ngược lại những bệnh nhân trẻ tuổi, mới được phát hiện bệnh… thì nên duy trì đường huyết trong ngưỡng thấp hơn, ví dụ đường huyết trước ăn < 7,0 mmol/l và đường huyết sau ăn < 8,0 mmol/l” – TS.BS Nguyễn Quang Bảy giải thích.
Theo điều tra dịch tễ năm 2014, có gần 2/3 số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam được phát hiện bệnh tình cờ. Vì vậy để được phát hiện sớm, những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sau đây nên đi khám bệnh định kỳ hàng năm: Người thừa cân hoặc béo phì; Người có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc có bệnh tim mạch; Người có người thân trong gia đình bị ĐTĐ typ 2; Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc đẻ con to trên 4,0 kg; Người đã được chẩn đoán mắc tiền đái tháo đường…
Người bị bệnh đái tháo đường có các triệu chứng như tiểu nhiều, khát nước và gầy sút, một số người hay bị đói nên ăn nhiều. Tuy nhiên có rất nhiều người bệnh đái tháo đường typ 2 có thể không hề có triệu chứng nào trong thời gian dài, và họ chỉ biết mình bị bệnh đái tháo đường khi đi khám sức khỏe, hoặc đi khám vì có các biến chứng của đái tháo đường như đục thủy tinh thể, tê bì chân tay, loét chân lâu lành hoặc nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não…
Người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra đường huyết để kiểm soát, điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống.
Hạ đường máu là tình trạng nồng độ đường glucose trong máu hạ quá thấp, xuống dưới 3,9 mmol/L. Nó khiến cơ thể bị thiếu năng lượng và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là não, hệ thần kinh và hệ tim mạch.
Để kiểm soát đường máu ổn định, ít giao động, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện các biện pháp sau:
– Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ
– Duy trì chế độ ăn và tập luyện đều đặn giữa các ngày, khi tập thể dục thì phải ăn thêm bữa phụ
– Đo đường máu thường xuyên để biết đường máu của mình đang ở mức nào, cũng như để đánh giá xem chế độ ăn, tập luyện ảnh hưởng thế nào đến đường máu
– Tránh các stress, thức quá khuya
– Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá…