- 12/03/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Có thể bạn đã từng nghe qua hoặc đã biết đến tình trạng nhiễm khuẩn do Salmonella gây ra. Nhưng thực sự bạn biết gì về tình trạng này?
Một số loại thực phẩm là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm khuẩn Salmonella
Mặc dù nhiễm Salmonella có thể xảy ra với hầu như tất cả các loại thựcc phẩm, từ dưa lưới cho đến các loại hạt đã sấy khô nhưng vi khuẩn thường gặp nhiều nhất ở thịt gà, thịt bò, thịt gia cầm, sữa và các chế phẩm từ trứng.
Tại Mỹ, nhiễm Salmonella từ thịt gia cầm chiếm khoảng 19% tổng số ca, từ trứng chiếm khoảng 14.8%, từ thịt bò khoảng 7%. Salmonella lây nhiễm qua đường phân miệng, do đó, những loại thực phẩm ở trên có nguy cơ lây nhiễm cao hơn có thể là do từ nước sử dụng để rửa thịt dẫn đến lây nhiễm chéo.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm, hãy đảm bảo rửa sạch tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa thực phẩm tươi với nước giúp loại bỏ vi khuẩn có hại nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn được chúng. Tuy nhiên, với các loại thịt gia cầm hoặc thịt nói chung, bạn không nên rửa với nước vì nước từ thịt sống có thể sẽ bắn và dính vào các thực phẩm khác, vào các công cụ và bề mặt nhà bếp. Rửa tay sạch, giữ khu bếp của bạn luôn sạch sẽ và tránh sử dụng lại dao, thớt chưa rửa sẽ giúp bạn bảo vệ bạn và gia đình khỏi nguy cơ ngộ độc.
Nấu chín hoàn toàn thịt gà và các loại thịt nói chung chính là chìa khoá giúp tiêu diệt vi khuẩn.
Salmonella có thể lây truyền từ người này sang người khác và thậm chí còn lây truyền khi tiếp xúc với động vật.
Salmonella có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường phân miệng. Do đó, để loại bỏ nguy cơ lây nhiễm, bạn nên thường xuyên rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi thay bỉm cho trẻ.
Tuy nhiên con đường lây truyền Salmonella từ người sang người (như COVID 19) là rất hiếm gặp bởi Salmonella không phải là loại vi khuẩn lây truyền qua không khí. Bạn phải “ăn” phải vi khuẩn (thường do động vật đã nhiễm khuẩn hoặc thực phẩm đã nhiễm khuẩn). Tuy nhiên, bạn có thể phơi nhiễm với Salmonella thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với một số loại động vật bị nhiễm khuẩn, ví dụ như gà, vịt, gia cầm. Do vậy, bạn cũng nên rửa sạch tay với nước và xà phòng sau khi tiếp xúc với các loại gia cầm, trứng của các loại gia cầm hoặc bất cứ thứ gì trong khu vực sinh sống của gia cầm.
Có nhiều hơn 1 chủng vi khuẩn
Khi nói đến Salmonella, thực ra là nói đến rất nhiều chủng Salmonella. Theo CDC, có tới hơn 2500 chủng Salmonella khác nhau đã được phân lập, trong đó có khoảng 100 chủng có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn ở người. Các chủng gây bệnh phổ biến nhất ở người là Salmonella Typhi.
Động vật nuôi có thể bị nhiễm khuẩn mà không bị ngộ độc
Động vật nuôi có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn. Nhiễm Salmonella không phải là một tình trạng phổ biến ở chó và mèo. Động vật nuôi nhiễm Salmonella cũng thường không có bất cứ triệu chứng gì, tuy nhiên, chúng vẫn mang vi khuẩn và có thể lây bệnh cho bạn.
Chó có thể làm lây bệnh qua phân và nước bọt. Mèo có thể lây bệnh do việc nhảy lên sàn bếp hoặc bàn ăn. Các chuyên gia khuyến nghị bạn nên rửa sạch tay sau khi xử lý phân của vật nuôi và không nên để vật nuôi đến gần khu vực bếp, ăn uống. Các loại động vật khác cũng có khả năng lây truyền Salmonella là rùa và thằn lằn, gà, vịt, ngỗng, chuột, dê, cừu, lợn.
Nhiễm khuẩn Salmonella có thể dẫn đến viêm khớp hoặc hội chứng ruột kích thích
Những người bị nhiễm khuẩn Salmonella có nguy cơ sẽ phát triển một dạng bệnh viêm khớp. Theo Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ, viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm gây đau ở các khớp xảy ra do phản ứng với một bệnh nhiễm trùng do một số vi khuẩn ở khu vực sinh dục hoặc tiêu hoá gây ra. Bạn có thể bị viêm khớp phản ứng ngay lập tức nếu bạn bị nhiễm khuẩn Salmonella nhưng đó không được coi là biến chứng lâu dài. Một khi tình trạng nhiễm khuẩn được loại bỏ, tình trạng viêm khớp cũng sẽ biến mất.
Một trong số những biến chứng nghiêm trọng và lâu dài của nhiễm Salmonella là hội chứng ruột khích thích sau nhiễm trùng. Hội chứng này có thể kéo dài vài ngày, vài tuần và thậm chí là vài tháng.
Tỏi và quế có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn
Đa số các chủng Salmonella gây ra các vấn đề về tiêu hoá sẽ biến mất trong vòng một tuần mà khong cần điều trị. Người bệnh nên uống nhiều nước để bù lượng nước đã bị mất do tiêu chảy và nôn mửa. Trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu người bệnh gặp biến chứng nặng, có thể sẽ phải sử dụng đến kháng sinh.
Một số nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng các thành phần chống khuẩn trong tinh dầu vỏ quế có thể chống lại độc tố của một số chủng Salmonella. Ngoài ra một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng trong số rất nhiều thành phần trong bếp thì quế có khả năng chống khuẩn tốt nhất.
Các nghiên cứu cũng cho thấy tỏi có khả năng hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn Salmonella. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng các bằng chứng này còn rất hạn chế, do vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về các nguy cơ và lợi ích của việc sử dụng các loại tinh dầu hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn Salmonella.
Tuổi, sử dụng thuốc và một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Salmonella
Những người có hệ miễn dịch suy giảm do bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư, bệnh thân, HIV/AIDS sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao hơn. Người trưởng thành trên 65 tuổi, phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao hơn. Trên thực tế, trẻ em có nguy cơ nhập viện cao hơn gấp 3 lần nếu bị nhiễm khuẩn Salmonella.
Sử dụng một số loại thuốc, ví dụ như thuốc làm giảm acid dịch vị dạ dày cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
Bảo quản trứng trong tủ lạnh làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn
Nên bảo quản trứng trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 4 độ C hoặc thấp hơn sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella. Cách này cũng hiệu quả với cả những món ăn được làm từ trứng. Nhứng món ăn được làm từ trứng không nên để ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng. Đảm bảo rằng bạn đã vứt đi các quả trứng bị vỡ, hỏng và làm sạch phần khay đựng trứng trong tủ lạnh
Salmonella phổ biến hơn vào mùa hè
Salmonella thường phổ biến hơn vào những tháng có nhiệt độ cao, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn.
Để giảm nguy cơ, hãy bảo quản thức ăn thừa, bao gồm cả trứng, sữa, thịt và các sản phẩm tươi sống trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Bọc kín thức ăn thừa trong hộp và cho vào tủ lạnh sau khi chế biến 2 giờ hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ ngoài trời trên 32 độ C. Bảo quản thức ăn trong tủ đông sẽ ngăn chặn vi khuẩn phát triển, nhưng không thể tiêu diệt được vi khuẩn. Do vậy, bạn vẫn nên cẩn thận khi sơ chế, nấu nướng thực phẩm rã đông.