- 10/04/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Tiếp xúc thường xuyên với âm thanh trên 85 decibel (db) sẽ ảnh hưởng thính lực, âm thanh trên 70 db gây rối loạn nhịp tim, huyết áp.
Bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết âm thanh được đo bằng đơn vị decibel (db). Một cuộc hội thoại thông thường ở mức 60-70 db. Âm thanh trên 70 db sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe. Tiếng ồn ngoài đường, tiếng karaoke từ các loa kẹo kéo ở mức 100 db đối với người ngồi gần và khoảng 80 db đối với người lân cận.
“Tiếp xúc với âm thanh trên 70 db sẽ ảnh hưởng thính giác về lâu dài, sau 10-20 năm. Còn hiện tại sẽ gây ra các vấn đề về tim mạch, rối loạn nhịp tim huyết áp, cáu gắt, khó chịu, ảnh hưởng giấc ngủ và tâm lý”, bác sĩ Giang nói.
Những người làm trong nhà máy dệt, nhà máy đóng tàu, quán bar… dễ bị giảm thính lực do tiếng ồn bởi họ phải tiếp xúc liên tục với âm thanh trên 85 db trong 8 tiếng mỗi ngày, liên tục nhiều tháng.
Trẻ em tiếp xúc thường xuyên tiếng ồn trên 70 db sẽ bị các rối loạn phát triển, ảnh hưởng thính giác. Tiếp xúc trực tiếp tiếng ồn 120 db, trẻ sẽ bị điếc. Ngưỡng gây điếc ở người lớn là 140 db.
Những hoạt động giải trí tạo âm thanh có thể gây hại đến thính giác gồm bắn súng, nghe nhạc bằng tai nghe mở âm lượng lớn, chơi trong ban nhạc, tham gia buổi hòa nhạc. Âm thanh của buổi hòa nhạc ở mức 74-104 db, xe máy 80-110 db, nhạc từ tai nghe mở tối đa 94-110 db; tiếng còi 110-129 db. Ngoài ra, người thường xuyên làm các công việc nhà có sử dụng máy cắt cỏ, máy cưa gỗ, máy thổi lá, máy hút bụi… có thể gây hại đến sức nghe.
Theo bác sĩ Giang, hiện số người mắc vấn đề về thính giác tại bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM có xu hướng tăng và trẻ hóa. Trước đây bệnh nhân đến khám chủ yếu là người lớn tuổi và nhóm trẻ em có vấn đề bẩm sinh, còn hiện nay số người trên 40 tuổi đến khám tăng. Ca bệnh tăng có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý nền ảnh hưởng đến thính giác, lão hóa nhanh, ô nhiễm tiếng ồn…
Bác sĩ Văn Thị Hải Hà, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết tiếp xúc với các âm thanh lớn trong thời gian ngắn hay dài đều ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là các âm thanh trên 85 db. Những âm thanh này gây tổn hại đến cấu trúc nhạy cảm ở tai trong và gây nghe kém.
Tình trạng nghe kém có thể xuất hiện ngay lập tức khi tiếp xúc với những âm lớn đột ngột như tiếng súng bắn, bắn pháo hoa (khi đứng trong phạm vi một mét) hoặc sau một thời gian dài tiếp xúc. Triệu chứng là ù tai, nghe âm thanh như tiếng dế kêu, chuông ren hay tiếng máy xay lúa, tiếng bóng đèn kêu… Người suy giảm thính giác sẽ dần không thể hiểu được những gì người khác đang nói, đặc biệt khi nghe điện thoại hoặc trong phòng ồn ào.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo một phần tư dân số thế giới sẽ gặp phải các vấn đề về thính giác vào năm 2050. Số người có nguy cơ mất thính giác có thể tăng hơn 1,5 lần trong ba thập kỷ tới, từ 1,6 tỷ theo số liệu 2019 lên 2,5 tỷ người.
Bác sĩ Đỗ Hồng Giang khuyến cáo cơ quan quản lý cần có các biện pháp giảm tiếng ồn trong khu dân cư như xây dựng nhà ở cách xa đường, có tường chắn âm thanh cao hơn 3 m nếu gần đường; có các quy định xử phạt với các hoạt động gây tiếng ồn ảnh hưởng sức khỏe người dân. Mỗi cá nhân cần chủ động bảo vệ tai bằng cách sử dụng nút tai chống ồn, kiểm tra thính lực thường xuyên.
Tại TP HCM, tiếng ồn khu dân cư phát sinh từ các nguồn: dịch vụ karaoke, điểm vui chơi, vũ trường, quán bar, beer club; quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa công suất lớn; hát karaoke ở hộ gia đình; nhạc ở tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật, liên hoan; nhạc quảng cáo ở siêu thị, chợ, địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…). Theo điều 6 Nghị định 167, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau bị phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Các tổ liên ngành của TP HCM sẽ ra quân xử lý nghiêm tình trạng vi phạm quy định về tiếng ồn, bắt đầu từ ngày 30/6.