- 23/03/2021
- Posted by: bientapvien
- Category: Tin tức
Trứng là món ăn vô cùng phổ biến trong một bữa ăn lành mạnh của rất nhiều người. Tuy nhiên gần đây, nhiều đề xuất đã đưa ra những trái ngược nhau về vấn để sử dụng trứng trong chế độ ăn hàng ngày.
Ăn bao nhiêu trứng là đủ?
Vào những năm 1960, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra thông tin cho biết: mọi người chỉ nên ăn không quá 03 lòng đỏ trứng mỗi tuần để hạn chế hấp thụ cholesterol – một yếu tố góp phần gây ra các bệnh tim mạch. Đến những năm 1990, đã có các phản hồi ý kiến này bằng cách chỉ ra những lợi ích dinh dưỡng của trứng. Những lợi ích này bao gồm:
- Là nguồn protein chất lượng cao
- Giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh ở trẻ em
- Lutein và zeaxanthin làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch và một số loại ung thư
- Choline đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh
Từ đó, trứng dường như lại được chuyển trạng thái trở lại: từ không ăn sang ăn và thậm chí – trở thành thực phẩm được ăn nhiều hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác tại Mỹ. Đến đầu năm 2020, một nghiên cứu khác lại tuyên bố rằng một người ăn càng nhiều trứng thì càng dễ mắc bệnh tim mạch và khả năng chết sớm. Ngoài ra, ăn trứng cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù các nghiên cứu quan sát chỉ ra các mối liên quan nhưng chúng không chứng minh được rằng trứng là nguyên nhân trực tiếp gây ra những tình trạng này. Các nhà nghiên cứu đang chỉ ra rằng trứng có thể không xứng đáng với những tai tiếng mà chúng phải hứng chịu.
Ăn nhiều trứng có gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe?
Các nghiên cứu về trứng
Các nhà khoa học bắt đầu xác định mối quan hệ giữa trứng và thực phẩm vì mối quan hệ này có thể ảnh hưởng đến bệnh tim mạch hoặc tiểu đường. Họ đã kiểm tra việc nếu trứng được ăn cùng với các chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không, đồng thời cũng xác định liệu trứng có làm giảm khả năng kiểm soát lượng đường glucose của cơ thể hay không vì điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy, việc ăn trứng không khiến lượng chất béo bão hòa tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nếu các phương pháp chế biến khác nhau, sự khác biệt sẽ khác nhau.
Một bữa ăn có món trứng thông thường không chỉ có mỗi trứng mà còn có nhiều loại thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa khác, chẳng hạn như thịt xông khói hay xúc xích. Và chúng thường được ăn cùng nhau. Đôi khi, chiên trứng với bơ cũng làm gia tăng lượng chất béo bão hòa trong khẩu phần.
Trong thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu ăn trứng có làm giảm lượng đường glucose hay không. Kết quả cho thấy rằng ăn trứng không gây ra tác dụng phụ đáng kể đến mức đường huyết. Ngoài ra, phân tích bổ sung về những người thường xuyên ăn nhiều trứng hơn so với những người ăn ít trứng hơn cho thấy không có sự khác biệt giữa mức đường huyết.
Theo các chuyên gia, đối với những người khỏe mạnh không có giới hạn nào đối về việc tiêu thụ trứng. Trứng là một nguồn protein tốt cho cơ thể và có thể dễ dàng sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Tổng kết
Đối với người khỏe mạnh bình thường, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng trứng hàng ngày là an toàn và không có giới hạn cụ thể nào. Trứng – nếu được sử dụng đơn lẻ sẽ không làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch hay cholesterol máu, tiểu đường. Bản thân trứng cũng là một nguồn protein rất tốt cho cơ thể.
Đương nhiên, nếu ai đó đang gặp phải tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó, việc ăn nhiều trứng hay bất cứ một loại thực phẩm nào quá nhiều có thể dẫn đến các vấn đề khác nhau. Do vậy, sử dụng cân bằng và đa dạng thực phẩm chính là yếu tố quyết định duy trì sức khỏe và thể chất tốt nhất.