Một vài sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng lây lan cấp tính do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Đa số trường hợp trẻ có thể tự khỏi và chỉ cần chăm sóc tại nhà, nhưng nếu cha mẹ chăm sóc con sai cách, có nguy cơ bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cha mẹ nên cẩn thận, tránh một số sai lầm khi chăm sóc con bị tay chân miệng tại nhà.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng sai cách có thể dẫn tới nguy cơ biến chứng nặng hơn. Do đó, các bậc phụ huynh nên bỏ ngay một số sai lầm thường gặp sau:

Kiêng tắm cho bé

Việc kiêng tắm sẽ chỉ khiến bệnh của trẻ trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể, trẻ bị tay chân miệng cần được tắm rửa và vệ sinh thân thể sạch sẽ để vi khuẩn không tích tụ trên da, giúp vết thương mau lành. Chưa kể, việc tắm rửa thường xuyên còn giúp bé tránh mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da như nấm da, viêm da…

Nhìn chung, trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng cữ gì, các nốt mụn nước ngoài da cũng không cần bôi thuốc mà chỉ cần vệ sinh 1 lần/ngày.

Tắm nước lá

Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng nghe theo lời truyền miệng, cho con tắm các loại nước lá như nước chè tươi, nước rau ngải cứu và một số loại lá khác. Tuy nhiên, việc tắm nước lá có thể gây bội nhiễm, khiến tình trạng bệnh tay chân miệng nặng hơn, có thể dẫn tới viêm da toàn thân.

Không dám vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh răng miệng sai cách

Trẻ bị tay chân miệng cần được vệ sinh răng miệng đúng cách để tránh bội nhiễm.

Khi bị tay chân miệng, các vết loét trong miệng là vấn đề đáng lo ngại nhất khiến bé đau không ăn được, không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ bội nhiễm, viêm nha chu, nấm miệng… ở trẻ.

Khó khăn hơn nữa là nếu vệ sinh răng miệng không đúng cách (ví dụ như dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối để rửa răng miệng cho bé), cha mẹ có thể vô tình làm vỡ các nốt mụn nước, khiến vết loét thêm nặng và điều này cũng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, viêm nha chu, nấm miệng…

Tốt hơn hết, cha mẹ nên vệ sinh răng miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng cách cho bé súc miệng nước muối sinh lý sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch, do đó cha mẹ cần cố gắng khuyến khích con uống nhiều nước, súc miệng nước muối sinh lý để làm sạch răng miệng mà không gây nguy hiểm.

Giữ ấm cho con quá mức

Tay chân miệng có thể gây sốt, khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và bé cần giải phóng nhiệt ra khỏi cơ thể. Do đó, cha mẹ không nên giữ ấm cho con quá mức vì điều này chỉ khiến bé sốt cao hơn, mồ hôi ra nhiều khiến bệnh thêm nghiêm trọng.

Thay vào đó, hãy cho bé nằm ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi, thoáng mát. Chỉ cho bé uống hạ sốt khi bé sốt cao trên 38,5oC.

Tự ý cho con truyền dịch

Nhiều người nghĩ cứ đau ốm, đi truyền dịch (truyền nước, truyền đạm, truyền dung dịch hoa quả…) là có thể khỏe lại. Tuy nhiên, việc tự ý truyền dịch khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sỹ là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới rối loạn điện giải, bị sốc do lượng dịch đưa vào, khiến bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Việc truyền dịch phải được bác sỹ chỉ định và chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết, ví dụ như khi trẻ có những dấu hiệu mất nước nặng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao…

Đối với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ, điều trị tại nhà, cha mẹ có thể cho con uống nhiều nước lọc, nước trái cây (như cam, bưởi…) để bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm các thực phẩm giàu vitamin A (như cà rốt, cà chua, dưa hấu) và các thực phẩm giàu kẽm (như các loại hải sản, lòng đỏ trứng, thịt gà) vào chế độ ăn thường ngày của bé để giúp các vết thương mau lành hơn. Các món ăn này nên được chế biến thành cháo, súp, cho bé ăn khi nguội để giảm đau, dễ ăn hơn.

Bỏ qua các dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo nguy hiểm

Nhiều phụ huynh không quá chú ý tới tình trạng trẻ có cơn giật mình khi đang ngủ. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu nguy hiểm, cảnh báo trẻ mắc tay – chân – miệng độ 2 trở lên, cần nhập viện ngay.

Tốt hơn hết, nếu thấy con có một trong các dấu hiệu sau: Sốt cao 39oC trở lên hoặc sốt cao liên tục, kéo dài quá 2 ngày; Hay quấy khóc, bứt rứt, nôn nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh, thở khó/thở nhanh, da nổi vằn… cha mẹ cần đưa bé đi khám ngay để có biện pháp xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.